Linh kiện và Sản xuất, Lao động Giá rẻ, eCommerce là 3 tác nhân chính giúp các smartphone đến từ Trung Quốc trở nên nổi tiếng tại châu Âu, thậm chí tại Mỹ.
Ngày đăng: 22-08-2017
861 lượt xem
Theo Android Authority, các công ty Trung Quốc có một số lợi thế giúp giá thành thấp hơn khi so sánh với các đối thủ Hàn Quốc, Đài Loan hay Mỹ.
Linh kiện và sản xuất
Càng tìm hiểu về smartphone Trung Quốc, người ta càng bất ngờ bởi hầu hết thành phần quan trọng, đắt giá nhất trên thiết bị đều được sản xuất ở nơi khác chứ không phải tại Trung Quốc. Các công ty bản xứ chỉ tập trung vào các sản xuất màn hình, pin và lắp ráp.
Công nghệ màn hình có lẽ ảnh hưởng khá nhiều tới giá thành sản phẩm. Các nhà sản xuất khác nhau sẽ phải lựa chọn giữa màn hình AMOLED hay LCD, đôi khi các smartphone giá rẻ sẽ chọn độ phân giải 1.080p thay vì 1.440p.
Smartphone đến từ Trung Quốc hầu như đều có phần cứng tương tự các thiết bị được sản xuất ở nước ngoài. Dù một số model cao cấp tự hào về một vài tính năng đặc biệt, sự khác biệt trong chi phí nguyên liệu không tạo thành khoảng cách quá lớn về giá giữa các smartphone. Hay chính chi phí sản xuất mới là nguyên nhân? Dưới đây là danh sách nơi đặt nhà máy sản xuất của một số thương hiệu smartphone Android nổi tiếng nhất:
- Samsung: Việt Nam, Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil, Indonesia
- Apple: Trung Quốc
- Sony: Trung Quốc, Thái Lan
- HTC: Đài Loan
- LG: Trung Quốc, Việt Nam, Ấn Độ
- OPPO / OnePlus / Vivo: Trung Quốc
- Huawei: Trung Quốc, Ấn Độ
- Xiaomi: Trung Quốc, Ấn Độ.
Chỉ có HTC là ngoại lệ duy nhất, còn tất cả nhà sản xuất smartphone Android trên đều đang đặt nhà máy tại Trung Quốc với các thành phần được nhập khẩu từ nước ngoài, chứng tỏ sự khác biệt trong chi phí sản xuất là không đáng kể.
Nghiên cứu của Deloitte về khả năng cạnh tranh sản xuất toàn cầu đã giải thích vì sao và làm thế nào Trung Quốc là trung tâm của các hoạt động sản xuất.
Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan có công nghệ cao, tay nghề kỹ thuật để tạo ra lượng hàng xuất khẩu lớn, bao gồm cả các linh kiện điện tử. Trong khi đó, Trung Quốc tập trung nhân công tay nghề thấp, dù sỡ hữu ít công nghệ cao. Vì vậy, Trung Quốc là nơi phù hợp để tập trung sản xuất với chi phí rẻ nhằm tạo nên sản phẩm hoàn chỉnh chứ không phải các linh kiện phức tạp.
Trung Quốc thu hút các nhà sản xuất nhờ lượng nhân công giá rẻ dồi dào. Ảnh: Christina Larson.
Các nhà máy Trung Quốc thường lấy chi phí thấp hơn so với các nhà máy của Mỹ, nhiều đơn đặt hàng lớn có thể sản xuất ở các nhà máy này để giảm giá thành sản phẩm.
Ngoài ra, việc mở rộng quy mô sản xuất đảm bảo các đơn hàng lớn có thể được thực hiện bất cứ khi nào cần thiết và kịp thời, giúp đẩy chi phí xuống và hấp dẫn thêm nhiều đơn đặt hàng số lượng lớn khác.
Lao động giá rẻ
Nhân lực dồi dào, cạnh tranh trong sản xuất dẫn đến lương thấp. Nhân công ở Trung Quốc thấp hơn nhiều nơi trên thế giới nên việc thành lập nhà máy cạnh tranh ở các nước khác vì thế sẽ không hiệu quả. Nhưng dù thế nào đi chăng nữa, các nhà sản xuất smartphone đang được hưởng lợi không ít từ mức lương thấp trong cùng một dây chuyền sản xuất ở Trung Quốc.
Các công ty Trung Quốc trả lương cho kỹ sư, nhân viên marketing, quản lý và nhân viên hỗ trợ khách hàng của họ ít hơn so với các nước khác. Bảng phân tích tiền lương các công việc phát triển sản phẩm ở những nước sản xuất smartphone lớn nhất cho thấy mức lương trung bình hàng năm của một kỹ sư ở Trung Quốc là 30.500 USD, trong khi đó ở Mỹ là 74.136 USD và ở Nhật Bản là 53.000 USD.
Biểu đồ tiền lương trung bình giữa các quốc gia. Ảnh: Android Authority.
Với hàng trăm, hàng nghìn nhân viên, sự khác biệt về tiền lương sẽ tăng lên đáng kể, đồng nghĩa phát triển sản phẩm ở Trung Quốc hay Đài Loan sẽ rẻ hơn so với các nước xuất khẩu điện thoại thông minh lớn khác.
Thương mại điện tử
Một trong những vấn đề ít thảo luận tới nhưng có lẽ lại yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng tới giá thành của smartphone Trung Quốc, chính là mô hình kinh doanh mới được thực hiện bởi các OEM (nhà sản xuất linh kiện gốc) Trung Quốc: Thương mại điện tử.
Khi mua Samsung Galaxy S6 edge hay iPhone 7, mức giá người dùng phải trả bao gồm cả giá phân phối sản phẩm, cho dù có thể họ không tới cửa hàng để mua, và cộng thêm một số chi phí khác.
Khác với chiến lược xây dựng cửa hàng của Samsung hay Apple, các nhà sản xuất Trung Quốc sử dụng kênh bán hàng trực tuyến để quảng bá, phân phối smartphone của mình nhằm giữ chi phí ở mức tối thiểu.
Sau khi thành công với thương mại điện tử, OnePlus đang mở cửa hàng để tiếp cận với những khách hàng mới. Vì vậy, không phải ngẫu nhiên mà smartphone 3T mới nhất của hãng lại có giá đắt hơn. Ảnh: Android Authority.
Tóm lại, những định kiến về điện thoại Trung Quốc có chất lượng thấp vẫn còn, nhưng trong một vài năm gần đây nó dần được xóa bỏ. Các sản phẩm này không được cấu thành từ những linh kiện tốt nhất, song cũng không quá kém như trước.
Một vài thiết bị còn sở hữu tính năng đột phá trên thị trường di động. Ngoài ra, trong cuộc đua giảm giá sản phẩm của các nhà sản xuất di động, người tiêu dùng chắc chắn là đối tượng được hưởng lợi nhiều nhất.
Nguồn: Zing
.